Festival tôm Cà Mau là diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 được tổ chức với các hoạt động phong phú, đa dạng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, phản ánh được những giá trị, tinh hoa đặc trưng về đời sống, văn hóa của người miền Tây Nam Bộ và vùng đất quê hương Cà Mau. Từ đây, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thúc đẩy phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm Cà Mau.
Với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt – cùng phát triển sản phẩm OCOP”, Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày 13/12/2023. Các hoạt động khai mạc, triển lãm, thương mại, ngày hội ẩm thực thủy sản Cà Mau, trải nghiệm văn hoá, vui chơi giải trí diễn ra tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Cà Mau. Hoạt động đại nhạc hội tổ chức tại sân vận động tỉnh. Hoạt động tổ chức diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm diễn ra tại Trung tâm hội nghị tỉnh… Các hoạt động tham quan, trải nghiệm diễn ra trên địa bàn TP Cà Mau và một số địa phương trong tỉnh.
Để chuẩn bị cho Festival tôm, TP Cà Mau đã vận động các chủ thể, doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm, tham gia mua bán tại sự kiện. Theo dự kiến của ban tổ chức sự kiện, thành phố sẽ được cấp 9 gian hàng để trưng bày. Phòng Kinh tế thành phố đã làm việc với 11 chủ thể có 23 sản phẩm OCOP được công nhận (3 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao) sẽ trưng bày giới thiệu cho sự kiện.
Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau Nguyễn Thành Phương cho biết, qua rà soát trên địa bàn có 23 doanh nghiệp đăng ký tham gia Diễn đàn xúc tiến thương mại, 6 doanh nghiệp đăng ký tham gia Diễn đàn xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, đề xuất các cơ sở nuôi tôm đạt hiệu quả để phục vụ cho việc tham quan trong sự kiện Fetival tôm, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở các xã Hoà Tân, Hoà Thành cũng đã sẳn sàng để phục vụ nhu cầu của ngày hội.
Vừa qua, tại buổi họp chuẩn bị cho Festival tôm Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau Tăng Vũ Em khẳng định đây là dịp để giới thiệu các sản phẩm, mô hình, kinh nghiệm tiên tiến và kết nối người sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu tôm, thúc đẩy nâng cao sản lượng, giá trị trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại lợi ích tốt nhất cho người nuôi tôm và doanh nghiệp.
Lãnh đạo TP Cà Mau cũng nêu rõ do ngày hội diễn tra trên địa bàn thành phố nên mọi công việc, chương trình đều phải thực hiện chu đáo, toàn diện, đảm bảo công tác an ninh trật tự, phân luồng giao thông, rà soát các nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra, tăng cường công tác vệ sinh môi trường các tuyến đường, các khu vực công cộng, tuyến dân cư, nhất là các khu vực tổ chức sự kiện, bố trí nhà vệ sinh di động, thùng rác tại khu vực ngày hội, đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, an toàn và bố trí lực lượng ứng trực, kiểm soát trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Bên cạnh đó cần thực hiện niêm yết và bình ổn giá đối với các sản phẩm dịch vụ, vận động các doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá tại sự kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Festival tôm Cà Mau. Các phòng ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND xã phường tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về mục đích của Festival tôm Cà Mau phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Ngày hội Festival tôm Cà Mau là dịp để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ, nhà khoa học với doanh nghiệp và người nuôi tôm, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất thuỷ sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành tôm trong quá trình hội nhập. Cũng là quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau về kinh tế, văn hoá, du lịch trong xu hướng hội nhập và phát triển.